Header Ads

Header ADS

Đọt choại luộc, món ăn mùi nhớ

Đọt choại có thể xem là một món ăn mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi, loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt


Rau choại luộc
Nghe 2 từ đọt choại (còn gọi chại, chạy), kỷ niệm trong tôi chợt hiện về. Có thể nói cây choại gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi. Choại là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá…. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.
Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thật “bá phát”!!…
Rau choại còn có tên khác là rau chạy hay đọt chạy
Rau choại còn có tên khác là rau chạy hay đọt chạy
Đọt choại non không những được ưa chuộng để chế biến các thức ăn, mà dây choại già cũng lắm hữu dụng. Tôi vẫn nhớ như in – trước khi lũ về trắng xóa cánh đồng – để chuẩn bị đồ nghề đánh bắt cá, ba tôi thường vào rừng chặt những dây choại già, bó từng bó phơi khô sau đó bện đăng, đó, lợp…, và làm dây buộc cột, kèo nhà tránh giông bão rất bền chắc, vì dây choại khi ngấm nước rất dẻo. Sau này, dây choại già còn được thêm công dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa.
Những năm tháng chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bị địch tạm chiếm. Gia đình ba má tôi quyết bám trụ, không chịu di tản. Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, mỗi khi ra đồng kiếm thức ăn rất ngại vì sợ cảnh bom rơi đạn lạc. Vì thế, quanh đi ngoảnh lại chỉ có rau, củ quanh nhà. Và, món ăn được má tôi chế biến thường xuyên trong những bữa cơm, đó là: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), hay đọt choại sống ăn kèm với cá hủn hỉn kho quẹt.
Rau rừng xuống phố
Rau rừng xuống phố
Tuy đạm bạc như thế nhưng nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch, và phần cơm cháy khét còn lại dưới đáy nồi, anh em chúng tôi dùng đũa bếp cạy lên và chia nhau mỗi người một miếng ăn với nước mắm kho quẹt hay đường thẻ (loại đường mía màu vàng, đổ khuôn có hình chữ nhật), và được xem như là món “quà vặt” tráng miệng.
Hôm nay, tôi đang ngồi trong quán sang trọng, ấm cúng với người bạn thân, trước những món ăn dân dã được biến tấu ít nhiều. Dĩa đọt choại luộc giòn, xanh mướt (tuy cũng có những cọng già, chắc do chủ tiếc rẻ vì hàng hiếm), trông khá bắt mắt, khác với dĩa đọt choại luộc nơi quê nhà xanh màu cỏ úa, mềm nhũn vì luộc quá lửa. Chắc là đầu bếp đã dùng bí quyết, bỏ vào nồi nước sôi một ít muối trước khi luộc chín, và sau đó phủ một lớp dầu ăn lên cho bóng mượt.
Còn dĩa cơm cháy thì trông rất hấp dẫn, đồng nhất một màu vàng ruộm, cắt đôi hình bán nguyệt, giòn thơm, béo ngậy vì được chiên trên chảo mỡ, khác với miếng cơm cháy khét, khô cứng, có vị đăng đắng xưa kia. Món nước mắm kho quẹt cũng là nước mắm nhỉ Phú Quốc, thơm ngon, có màu cánh gián, sền sệt, không giống nhiều với mùi vị nước mắm đồng mặn quéo kết hợp tinh túy từ thịt của con cá sặt, cá rô, cá linh… với hạt muối quê nhà. Không những thế, quán còn “vẽ duyên” thêm đường, tóp mỡ, hành, cùng một trái ớt sừng chín đỏ.
Thử bẻ một miếng cơm cháy, quẹt một chút nước mắm kho quẹt đưa vào miệng nhai giòn tan, thêm vào cọng đọt choại luộc có vị thơm thoảng, nhơn nhớt để trung hòa vị ngọt mặn của nước mắm. Tất cả quyện thấm vào vị giác, len xuống tận cổ! Chạnh lòng, nhớ về miền quê nghèo da diết, nơi đó có ba má và những người nông dân lam lũ cần cù…
 Theo Ấp Bắc

>>> Cũng khám phá thêm nhiều nét hấp dẫn khác của ẩm thực miền Nam


Được tạo bởi Blogger.