Header Ads

Header ADS

Sự thật về linh vật huyền bí bậc nhất Tây Bắc

Người dân tộc Thái đen ở Sơn La thường gọi linh vật kỳ bí của mình với cái tên hi đán, khuây đán. Hai linh vật này tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và nữ. Khi thấy những bộ linh vật này, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng vì chúng là những viên đá tự nhiên không hề được đẽo gọt mà lại giống với bộ phận sinh dục nam và nữ y như đúc.

Được sự giới thiệu của người quen, chúng tôi rong xe ngược miền Tây Bắc để đi tìm linh vật đã đi vào huyền thoại của người Thái đen từ mấy trăm năm nay. Từ huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, chúng tôi đi tắt qua con đường mòn vắt qua những triền núi cao để đến huyện Mường La, tỉnh Sơn La đi tìm khuây đán, hi đán.
Gần 4 tiếng đồng hồ lặn lội đường rừng, chúng tôi men theo con đường dẫn lên một ngọn núi cao ngất trời, phía dưới chân núi là một thung lũng bằng phẳng, ở đó có những ngôi nhà thấp thoáng, ẩn hiện sau làn sương mù bảng lảng. Người dẫn đường của chúng tôi chỉ tay về phía thung lũng rồi bảo: "Đó là xã Ngọc Chiến và xã Pí Tòng của huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hiện ở khu vực Sơn La chỉ có nơi này còn giữ được linh vật hi đán, khuây đán vì khu vực này tập trung đông đồng bào Thái đen".

Mất hơn một giờ đồng hồ nữa phi xe xuống con dốc gồ ghề bẫy đá, chúng tôi lọt thỏm xuống thung lũng Pí Tòng. Dừng xe bên một quán rượu hỏi thăm linh vật, một nhóm thanh niên bỗng cười sặc sụa bảo: "Tao sống ở đây mấy chục năm mà chưa được một lần nhìn thấy huống chi là mày. Chúng tao cũng có tìm kiếm nó nhưng mà khó lắm! Mấy ông cầm đầu ma không cho xem đâu".
Theo lời những người đã từng cất công đi tìm hi đán, khuây đán thì riêng ở Sơn La chỉ có người Thái đen ở Mường La mới có linh vật này. Trước đây ở Mường La có 4 người sở hữu vật thiêng, nhưng năm 2010 một bộ đã bị "giết chết" nên hiện tại chỉ còn 3 người sở hữu.
Tuy nhiên những người sở hữu linh vật này rất ít khi cho người lạ xem, trường hợp họ cho ai đó mượn để làm "bùa yêu" thì chỉ có người chủ và người mượn biết với nhau, nếu mà người mượn nói ra với người khác thì "bùa yêu" sẽ mất tác dụng. Chính vì thông tin về hi đán, khuây đán ít lọt ra ngoài nên càng khiến cho câu chuyện về linh vật này càng trở nên kỳ bí khó hiểu.
Mất nhiều ngày tìm kiếm tung tích của vật thiêng, chúng tôi mới gặp được một người tên là Quàng Văn Úa ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Gặp chúng tôi, ông Úa tỏ ra lúng lúng, mặt ông đăm chiêu hết đi ra cửa lại quay vào nhà, ông uống gần chục chén trà đặc, hút bốn, năm mồi thuốc lào rồi mới miễn cưỡng cất lời: "Sao mày biết nhà tao có cái đó?". Anh bạn đồng nghiệp nhanh nhảu đáp: "Dạ cháu trai ông giới thiệu, bảo là nhà ông có nên chúng cháu đến xin được xem".
Nét mặt ông Úa vẫn chưa bớt đi vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Sau khi nghe anh bạn đồng nghiệp của tôi trả lời hồi lâu ông không nói không rằng gì thêm mà lọc tọc lên gác lấy xuống một cái túi vải bé bằng bàn tay, bên trong túi là bộ hi đán, khuây đán mà biết bao người mơ ước được nhìn thấy dù chỉ một lần trong đời.
Trước khi chúng tôi xem, ông Úa bảo chúng tôi ra ngoài bể rửa tay bằng nước sạch và lau khô tay rồi mới được cầm vào linh vật của gia đình. Ông cẩn thận mở chiếc túi ra và lôi ra hai vật đã đi vào huyền thoại mấy trăm năm nay.
Chiếc khuây đán tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam có màu vàng, đường kính khoảng 2cm dài khoảng 14cm, chiếc hi đán tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ có màu đen to bằng nửa bao thuốc lá, ở giữa có một cái lỗ. Bộ linh vật này hoàn toàn bằng đá tự nhiên, không có dấu vết của sự đẽo gọt.

Linh vật của ma

Theo lời của nhiều người dân địa phương thì hi đán và khuây đán là linh vật chỉ có những người cầm đầu ma (bậc thầy của các thầy cúng mới có). Tuy nhiên hiện nay, những người cầm đầu ma chết gần hết và truyền lại cho con cháu trong nhà hoặc rơi vào tay người ngoài dòng tộc.
Ông Quàng Văn Úa cho biết: Gia đình ông đã cất giữ linh vật này qua 7 đời. Tổ tiên của gia đình ông trước đây cầm đầu ma. Thời đó, chỉ có những người cầm đầu ma thì mới được sở hữu linh vật này. Trước khi chết, người cầm đầu ma phải lựa chọn trong gia đình, dòng họ có người nào thích hợp cầm đầu ma để truyền nghiệp lại cho người đó, việc này cũng có nghĩa là người kế nghiệp cầm đầu ma sẽ là người có vinh dự được giữ linh vật hi đán, khuây đán. Trường hợp trong dòng họ không có người thích hợp để kế nghiệp cầm đầu ma thì hi đán, khuây đán sẽ "tự tìm đến" chủ nhân mới.
Trước đây, tổ tiên của gia đình ông truyền lại câu chuyện kể rằng: "Ông tổ cách đây 7 đời đi lên nương, khi đi qua con suối nghỉ ngơi thì gặp phải hai hòn đá hình khuây đán, hi đán nhưng ông không nhặt mà đá nó vào bìa rừng. Khi đi nương về, ông tổ lại gặp phải hòn đá ấy nhưng ông vẫn không nhặt mà cầm ném đi chỗ khác. Có một điều lạ là những ngày sau đó, mỗi khi đi lên nương ngang qua con suối thì ông lại gặp hai viên đá cuội mà tự tay ông đã vứt đi mấy ngày trước đó. Thấy lạ, ông miễn cưỡng cầm về nhà. Ban đêm, khi ngủ ông nằm mơ thấy có một bóng ma to lớn gấp ba người bình thường hiện lên, con ma đó bảo từ nay ông sẽ là người cầm đầu ma ở vùng này. Phải giúp đỡ dân lành tai qua nạn khỏi, trừ khử ma độc đón rước ma lành… giúp các đôi thanh niên trong bản lấy được nhau, giúp các gia đình không cãi cọ nhau…". Kể từ đó, dòng họ ông Úa cứ thế đời này nối tiếp đời khác giữ gìn vật thiêng.
Rời nhà ông Úa, chúng tôi tiếp tục lần theo thông tin của một người sở hữu chiếc khuây đán đơn độc duy nhất ở miền Tây Bắc. Theo lời của một số ít người cầm đầu ma thì chiếc khuây đán đơn độc này có tuổi đời cao nhất trong số những linh vật hi đán, khuây đán chốn rừng thiêng, sự xuất hiện của nó cũng làm cho nhiều người phải ngạc nhiên.
Theo truyền thuyết kể lại thì chủ nhân của chiếc khuây đán đơn độc trong một lần đi rừng về thì bỗng gặp trời mưa to khiến nước lũ từ thượng nguồn đổ về ào ào, thế nhưng người này vẫn cố tình lội băng qua suối về nhà. Lúc người này đang loay hoay vượt suối thì có một con khỉ độc to như người, con khỉ một tay túm sợi dây rừng một tay ôm người vượt qua suối, sau đó, con khỉ độc đưa cho người đàn ông này một chiếc khuây đán bằng đá, người đàn ông không hiểu gì nên không nhận, thế nhưng con khỉ độc cứ chạy theo ngáng đường và đưa cho ông chiếc khuây đán rồi ông miễn cưỡng cầm về.
Đêm hôm đó, người đàn ông thấy chiếc khuây đán to lên bằng cái điếu cày, sau rồi lại xẹp xuống như ngón chân người. Sau sự kiện đó, người đàn ông dân tộc Thái bỗng dưng có khả năng đặc biệt, ông biết cúng ma rừng, biết yểm bùa, đuổi ma trừ tà… Khi ông chết thì truyền lại linh vật cho con cháu.
Ban đầu, một người dân địa phương giới thiệu chúng tôi đến xã Pí Tòng huyện Mường La để hỏi về linh vật này. Tuy nhiên khi đến đây thì chúng tôi lại nhận được thông tin là linh vật này đã đi tìm chủ nhân mới ở Văn Chấn, Yên Bái vì chủ nhân cũ của nó không tiếp tục làm cầm đầu ma nữa.
Lần theo dấu vết của chiếc khuây đán đơn độc này, chúng tôi đến Văn Chấn, Yên Bái gặp anh Giang Trịnh Tuân và đã may mắn gặp được chủ nhân ngoại đạo duy nhất sở hữu khuây đán đơn độc được lưu truyền trong huyền thoại.
Anh Tuân cho biết: "Tôi mua được chiếc khuây đán này từ tháng 2/2012 của một người dân tộc Thái đen ở xã Pí Tòng. Trước đó, tôi cũng đã được biết sơ qua về linh vật này. Khoảng cuối năm 2011, tôi bất ngờ thấy một thanh niên người dân tộc Thái đem theo chiếc khuây đán sang Yên Bái đi tán gái. Lúc đó tôi gạ gẫm đổi một chiếc xe máy trị giá gần 20 triệu cộng thêm 10 triệu tiền mặt nữa nhưng người thanh niên không bán. Đến một ngày tháng 2/2012, khi tôi đang ngủ trưa thì nghe tiếng gõ cửa, anh thanh niên người Thái bất ngờ xuất hiện trước nhà tôi và rút ra chiếc khuây đán bảo: "Tao bán cho mày cái khuây đán, tao chỉ lấy cái xe máy của mày thôi". Nói rồi người thanh niên đưa chiếc khuây đán lên, mắt nhắm tịt, miệng lẩm nhẩm mấy câu thần chú đại loại như là: "Từ nay người này sẽ là chủ mới của mày, mày phải đi theo nó, nghe lời nó và phù hộ cho nó, nếu không nó sẽ giết mày". Sau đó người thanh niên đưa chiếc khuây đán cho tôi và lấy chiếc xe máy trị giá gần 20 triệu của tôi đem về để đi tán gái".
Sau khi bán cho anh Tuân linh vật gia truyền 10 đời để lại, người thanh niên dân tộc Thái dặn dò anh phải chăm sóc cẩn thận nếu không, linh vật sẽ tự đi tìm chủ nhân mới…

>>> Có thể bạn sẽ quan tâm đến những bài viết về đặc sản Tây Bắc


Được tạo bởi Blogger.