ĐÔI BA CÂU KỂ VỀ ẨM THỰC HỘI AN
Hội An từng được trang du lịch nổi tiếng thế giới Tripadvisor công bố nằm trong top 10 nền ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2017, chính phủ đã trao giấy chứng nhận “Hội An – Thủ phủ ẩm thực của Việt Nam”. Cứ 10 du khách đến với phố cổ đất Quảng thì chắc chắn sẽ đủ 10 người cho rằng nhất định phải thử qua các món ăn đặc sản nơi đây mới gọi là đã đi du lịch. Vậy, ẩm thực Hội An có sức hút gì đặc biệt đến vậy?
Hình ảnh món cao lầu Hội An trên một tờ báo nước ngoài
Người ta thường nói rằng đi đâu cũng vậy, có thể ở chỗ không mấy sang trọng, có thể hạn chế tham gia các dịch vụ đắt đỏ, song đã du lịch là phải ăn, phải thưởng thức thật nhiều món ngon, đặc biệt là đặc sản địa phương. Hội An không xa hoa theo phong cách của những thị thành hiện đại, cũng không có nét vội vã, xô bồ của nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác. Mỗi ngày vẫn có hàng ngàn du khách, mỗi năm vẫn có hàng triệu lượt người ghé thăm. Nhưng như bản tính cố hữu vốn có, phố Hội vẫn giữ được cho mình sự bình lặng và giản dị, cổ kính và nhiều hoài niệm nhưng vẫn thật tinh tế, nhẹ nhàng chứ không xuề xòa. Cái giản dị và tinh tế đó thể hiện trong từng kiến trúc xây dựng, trong các làng nghề truyền thống, trong tính cách con người, và trong cả các món ăn đã có từ nhiều đời.
Tìm về những món ăn tồn tại hàng thế kỉ ở Hội An
Thật khó để diễn tả hết bằng lời những nét riêng trong ẩm thực Hội An, bởi cái gì đẹp, cái gì ngon, mà đặc biệt là cái gì tinh tế thì thường để dành cho sự cảm nhận. Nhưng nếu phải nói về một điểm gì đó thật khác trong các món ăn nơi đây, có lẽ tôi sẽ dành cho hai tiếng “trường tồn”. Trường tồn theo nghĩa đơn giản nhất, chính là đã tồn tại được từ rất lâu rồi. Thật vậy! Những món ăn đã ra đời từ cách đây rất lâu (có khi lên đến 3 – 4 thế kỉ), trải qua bao năm, dù được phục vụ ở các quán ăn đường phố hay trong nhà hàng sang trọng cũng thế, cũng vẫn giữ được vị truyền thống rất khó để tìm thấy ở những vùng miền khác.
Tên gọi món cao lầu xuất phát từ những quán hai hai lầu, gọi chệch thành “cao lầu”
Ngồi bên lòng đường, ngắm dòng sông bình lặng trôi, hít hà cho thật đầy lồng ngực mùi của phố cổ, ngắm cho thật thỏa những chiếc xích lô chầm chậm trên trên phố xá hay những con phố đèn lồng nhiều màu sắc, may mắn hơn sẽ gặp được lễ thả đèn hoa đăng. Vậy là đã thấy Hội An! Nhưng mà cũng chưa phải là Hội An, nếu chưa ghé một hàng quán bất chợt nào đó mà ăn một tô cao lầu, sáng sớm tìm một nơi ăn bánh ướt thịt nướng, chiều chiều lại mì Quảng, hôm sau khám phá đến bánh mì, bánh đập rồi hoành thánh, bún giò… Thế mới thực sự là cảm nhận cho thỏa cái vị Hội An.
Cao lầu có thể xem là món đặc trưng nhất ở nơi đây và được một tờ báo Anh đánh giá là “chứa đựng lịch sử của cả Hội An”. Thực chất nấu được một tô cao lầu thật là Hội An không hề đơn giản. Gạo làm sợi mì được xay từ nước giếng cổ, ngâm gạo bằng loại tro nấu lấy ở vùng Cù Lao Chàm để được vàng, tươi, ăn mềm và dai chứ không bở, không bục. Mì được xếp xuống đáy tô, xếp bên trên là tôm, thịt gà, xá xíu rồi da heo khô thái vuông, thêm mấy cọng húng lìu, rau thơm…
Tiếp nữa chắc phải kể đến bánh ướt thịt nướng. Món này ở Huế cũng rất nổi tiếng, nhưng ở Hội An cũng đặc sắc chẳng kém gì. Bánh ướt được tráng thật khéo, mỏng thật mỏng mà vẫn mịn, ăn cùng với thịt nướng hơi sém vàng, thơm nức mũi, chấm vào tương đậu. Đôi khi ăn một đĩa cũng chưa thỏa thích, thực khách cứ phải gọi thêm, bởi bánh ướt ở đây vừa rẻ lại ngon miệng vô cùng.
Bánh ướt thịt nướng Hội An
Bánh mì Hội An ai đã ăn thì hẳn phải mê, bởi tiếng tăm đã lan rất xa, được báo chí thế giới khen nức lời. Vỏ bánh mì giòn rụm, đặc ruột với phần nhân “nghe đã nghiện” như chà bông, pate, xúc xích, thịt quay kèm với các loại rau thơm, củ, dưa muối chua… Đặc biệt nhất chính là nước xốt được chế biến theo những công thức riêng.
Ai ghé chân qua chợ phố Hội mà chỉ muốn ăn vặt thì chắc chắn không nên bỏ qua món chè. Chè ở đây rất nhiều và cũng rất nổi tiếng, cứ mỗi thứ chè một ít, du khách bằng mọi giá phải thử được ít nhất 4; 5 loại: đậu xanh nước cốt dừa, sương sa hột lựu, trôi nước thịt heo, đậu đỏ, chè thưng, hạt sen phố cổ, chè thập cẩm… chỉ với 8.000 – 10.000 đồng/chén hoặc ly.
Đến Hội An chẳng thể bỏ lỡ cảm giác ăn một ổ bánh mì nóng giữa buổi tối se sẽ lạnh
Trải nghiệm học nấu món ăn địa phương tại Hội An
Một trong những trải nghiệm tuyệt vời giúp du khách trong và ngoài nước được khám phá nhiều hơn, cảm nhận chân thật hơn về ẩm thực và văn hóa Hội An chính là những buổi học nấu món ăn địa phương ngay tại đây.
Du khách sẽ được đưa đến các khu chợ nổi tiếng nội và ngoại thành, vừa để tự chọn nguyên liệu, vừa để có dịp lắng nghe những câu chuyện thú vị về cuộc sống người dân. Sau đó, bạn sẽ trở về học cách nấu ăn với các đầu bếp chuyên nghiệp những món ăn đơn giản như chả ram, mì Quảng hay bánh xèo, cơm gà phố cổ. Học nấu ăn để biết cách nấu là một chuyện, hiểu hơn về văn hóa phố cổ đằng sau mỗi cách chọn lựa nguyên liệu, cách gọi tên cũng là những điều tuyệt vời mà du khách mong muốn được tìm hiểu thông qua các khóa học nấu ăn này.
Ram bắp giòn bên ngoài và ngọt bên trong
Nói là giới thiệu về ẩm thực Hội An sẽ là quá lời, bởi muốn giới thiệu hết cũng phải mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, nếu có kể hết cũng chỉ là miêu tả, còn muốn cảm nhận được cái hồn, cái chất, chúng ta cần phải đi. Ẩm thực Hội An, như nhiều bạn trẻ thường đùa, rằng không có gì để nói vì có quá nhiều điều để nói. Vài lời tâm sự về chuyến thăm phố Hội, hy vọng sẽ giúp các bạn có được những hình dung thật đẹp về mảnh đất ấy, để có thêm động lực bước đi, tìm hiểu và thật hiểu về ẩm thực nơi đây.