Ghé chợ tình Khau Vai, mê đắm đặc sản vùng cao nguyên đá
Sẽ không ngoa khi nói Hà Giang chính là viên nam châm thu hút khách du lịch và dân phượt của vùng núi phía Bắc với những cung đường bí hiểm, địa điểm du lịch hấp dẫn cùng những đặc sản nhất định phải nếm thử một lần.
Hà Giang – một tỉnh nằm ở cực bắc của nước ta. Nơi đây được biết đến với con đèo Mã Pí Lèng nổi tiếng hiểm trở, với cao nguyên đá Đồng Văn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về lịch sử - văn hóa và cảnh quan đặc sắc, với chợ tình Khau Vại mỗi năm một lần vào 27-3,… Không những thế, Hà Giang còn được biết đến qua hương vị của những chén thắng dền, thắng cố; của những bát ấu tẩu, phở chua hay của những miếng thịt lợn cắp nách... tất cả đều mang đậm chất núi rừng.
Thắng dền
Nếu trên đường tham quan các ngõ ngách của mảnh đất Hà Giang này, bạn vô tình lạc vào một quán nho nhỏ ven đường, vô tình nhìn thấy những viên bánh tròn tròn to cỡ đầu ngón tay màu trắng sữa, chìm nổi giữa thứ nước sền sệt màu vàng ươm, bên trên được rắc lạc và vừng, thơm nức mùi gừng và vị đường thì đó chính là thắng dền – một đặc sản của Hà Giang đấy.
Thắng dền nhìn thoạt qua giống với bánh trôi nước. (Ảnh: maihemo)
Những viên bánh màu trắng đó chính là được làm từ bột gạo nếp. Tùy vào sở thích của người chủ quán mà bạn sẽ được ăn bánh chay hoặc bánh có nhân đậu xanh. Bột sau khi được nặn sẽ cho vào nước dùng để luộc, cho đến khi chúng nổi lên trên mặt nước thì sẽ múc ra. Những viên bột này khi ăn rất dẻo quyện và không bị ngán.
Còn thứ nước sốt sền sệt thơm phức đó là được nấu khéo léo từ đường, nước cốt dừa và gừng. Vị của nó ngọt thanh, không quá gắt, béo béo của nước cốt dừa và thơm cay ấm nồng của gừng tươi. Rất nhẹ nhàng mà quyến rũ, vô cùng hợp gu với tiết trời lành lạnh của vùng núi này.
Thời tiết se lạnh mà ăn ngay một bát thắng dền thì vô cùng ấm lòng. (Ảnh: pystravel)
Là đặc sản nổi bật song mỗi bát thắng dền như thế chỉ có giá tầm 5.000 đồng thôi. Nên cứ thoải mái nhẩn nha, khi nào cảm thấy thỏa thích rồi thì hãy đứng lên để không phải tiếc ngẩn khi ra về.
Thắng cố
Thắng cố còn được gọi là “thảng cố”, có nghĩa là canh xương. Song món canh xương của đồng bào nơi đây chắc chắn không giống với món canh xương bạn thường xuyên ăn ở nhà.
Thắng cố không chỉ là đặc sản đặc trưng của Hà Giang mà còn là của cả mảnh đất miền núi phía Bắc. Món ăn này có lịch sử hơn 300 năm. Theo dân gian thì trước đây, người dân vùng cao đã dùng tấm da ngựa làm thành cái chảo lớn còn dùng chính thịt, xương và nội tạng của con ngựa để làm nên món ăn này.
Hầu như tất cả bộ phận của con ngựa đều được dùng nấu món thắng cố. (Ảnh: min_._nn)
Đến nay, cũng vẫn là những nguyên liệu đó nhưng sau khi lấy thịt, xương và nội tạng bò hoặc ngựa, người ta chế biến và đem xào lăn trước rồi mới châm nước vào cho ngập, ninh sôi liên tục trong nhiều giờ. Gia vị dùng cho món ăn này cũng rất độc đáo như chính món ăn vậy. Thường người ta nêm bằng thảo quả, hạt dổi, củ sả,… mà có một số loại hầu như bạn không thể thấy trong một khu chợ nào ở thành phố cả.
Hầu hết thực khách đều khen hương vị độc đáo của thắng cố trong lần đầu thưởng thức. (Ảnh: nhatduclam)
Thắng cố thường xuyên xuất hiện trong những phiên chợ, trong các lễ hội để phục vụ cho người dân và thực khách từ phương xa đến. Chỉ 20.000 đồng là bạn đã có thể thưởng thức ngay một bát thắng cố vừa được múc ra, vô cùng nóng hổi.
Cháo ấu tẩu
Mảnh đất ở vùng núi cao với cái khí hậu mát lạnh quanh năm nên sẽ cần lắm một món ăn ấm nóng, và không gì khác hợp lý hơn ngoài cháo ấu tẩu. Món ăn được nấu từ củ ấu tẩu, mọc nhiều ở vùng cao nguyên đá này.
Cháo ấu tẩu rất tốt cho sức khỏe người ăn. (Ảnh: thutrang26101992)
Củ ấu tẩu hay còn được gọi bằng những cái tên khác như ô đầu hay phụ tử. Trong loại củ này có chứa chất độc gây hại song cũng là một vị thuốc có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực sự là thế. Để khử hết độc trong củ ấu tẩu, người ta thường phải ngâm trong nước vo gạo đặc một đêm, sau đó sẽ đem hầm trong ít nhất là 4 tiếng, cho đến khí củ ấu tẩu tan lịm, biến thành bột đặc sệt.
Một bát cháo ấu tẩu thường được bán có giá giao động từ 20.000 đồng và để chế biến được lại vô cùng công phu. Sau khi hầm được củ ấu tẩu rồi, người ta sẽ trộn nếp cái hoa vàng với gạo tẻ thơm. Sau đó đem nấu cùng với nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Chưa hết, thịt nạc được băm nhỏ và cho thêm vào để tăng hương vị cho món ăn.
Thơm ngon hơn khi có thêm trứng gà, chân giò và các loại rau gia vị. (Ảnh: beanie.vivi)
Sau khi hoàn thiện và bắc nồi cháo ấu tẩu ra, sẽ đập thêm trứng gà, cho thêm gia vị như ớt, tiêu cùng các loại rau hành, mùi, tía tô thì bát cháo mới gọi là hoàn thiện.
Khi tối xuống, khi tiết trời trở nên se lạnh, rủ thêm người bạn nữa ra đường và thưởng thức ngay bát cháo ấu tẩu thì còn gì bằng. Món cháo có vị đăng đắng ngay khi chạm đầu lưỡi song càng ăn lại càng bị mê hoặc bởi cái vị đắng ấy. Vậy nên có người mới nói, đã ăn cháo ấu tẩu rồi thì khó lòng mà dứt ra được.
Phở chua
Nếu như ngày trước, phở chua chỉ xuất hiện trong những sự kiện quan trọng của gia đình, bản làng thì ngày nay, thắng cố phổ biến ở Hà Giang và là món ăn được nhiều du khách lựa chọn cho bữa sáng khi tới đây.
Để chế biến nên món phở chua này không cần nguyên liệu quá cầu kỳ. Nhân vật chính là bánh phở tươi được tráng mềm. Những thức khác đó là thịt xá xíu, vịt quay, lạp xưởng và lạc đã chao dầu. Bên cạnh đó, một bát phở chua hoàn chỉnh không thể thiếu rổ rau húng thơm, tép tỏi tươi, đu đủ và dưa chuột nạo.
Phở chua không quá cầu kỳ nhưng cực kỳ thơm ngon. (Ảnh: minhhang_2692)
Để sở hữu được vị chua chua, ngòn ngọt làm nên thương hiệu phở chua Hà Giang chính là nhờ nồi nước dùng được nấu kỹ, làm từ một loại dấm thật chua, hoà với đường, bột sắn, thêm chút gia vị. Tất cả đem nấu sôi lên và quấy đều tay.
Món phở chua này khi ăn rất mát và dễ ăn nhờ cái vị chua chua, thanh thanh. Nhất là những ngày mùa hè lại càng dễ nạp vào cơ thể hơn nữa. Với mức giá dao động từ 35.000đ – 45.000đ là bạn đã có thể thưởng thức ngay một bát phở chua đầy ắp thịt, lạp xưởng là thỏa mãn cơn thèm của mình.
Lợn cắp nách
Những con lợn được người đồng bào vùng cao chăn thả tự nhiên, khi lớn chỉ nặng không quá 10kg và muốn bắt về làm thịt, người dân chỉ cần ôm vào người hay cắp dưới một bên nách là được. Chính vì thế mà sinh ra cái tên lợn cắp nách.
Đây là giống lợn được lai giữa lợn Mường và lợn rừng. Chúng không được giữ trong chuồng trại, chăm sóc cho ăn cẩn thận mà được thả rông từ lúc mới sinh ra. Thức ăn của chúng là những loại cây cỏ, củ dại ở trong rừng, lâu lâu mới được cho ăn củ sắn, bắp ngô. Do đó, chúng thường có thân hình bé nhỏ nhưng thịt lại nạc, rất chắc và thơm ngọt.
Lợn cắp nách thường chỉ nặng từ 4 - 10kg. (Ảnh: lequynhtrang02)
Thịt lợn cắp nách có thể được chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, quay hay nấu cháo, nấu canh đều tuyệt. Song ngon nhất là phải kể đến món thịt bụng còn lẫn xương sườn hấp cách thủy. Sau đó chấm với lá nhôi giã nhỏ trộn hạt dổi và ớt xanh. Món thịt chắc, ngọt, thơm thơm được tôn lên nhờ cái vị chua chát của gia vị khiến món ăn hoàn hảo vô cùng.
Giá thịt lợn cắp nách thường từ 140.000đ/ kg. Đổi lại, cánh mày râu có một món mồi nhậu tuyệt vời cùng với chén rượu ngô cay ấm. Còn chị em phụ nữ có thể ăn kèm thịt lợn cắp nách được chế biến ngon lành với nắm xôi nấu từ nếp nương dẻo thơm.
Thịt lợn ngọt, thơm và chắc. (Ảnh: greenruler)
Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn
Về cách chế biến và hình thức của một đĩa bánh cuốn phố cổ Đồng Văn thoạt nhìn cũng không khác là bao so với món bánh cuốn trên đường phố Hà Nội. Song cứ phải dừng chân ghé lại, gọi cho mình và chúng bạn mỗi đứa một phần bánh cuốn thì bạn mới hiểu được vì sao dân du lịch và dân phượt lại mê tít món ăn này.
Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng nhưng bánh cuốn ở đây lại mỏng, mềm và thơm hơn rất nhiều. Nhân bánh cũng được làm từ mộc nhĩ, thịt băm, lúc ăn sần sật, giòn giòn, thơm thơm. Còn với bánh cuốn trứng, cho bột vừa được tráng chín, một quả trứng gà được đập vào. Đậy vung lại cho một lúc, sau đó thêm mộc nhĩ, thịt và chờ cho trứng chín lòng đào rồi lấy ra. Như vậy thì thực khách luôn cảm nhận được độ mềm mịn của trứng.
Ở Đồng Văn, người ta sẽ ăn bánh cuốn với bát canh đậm đà. (Ảnh: watashi.lee)
Nhưng đó chưa phải là tất cả, bạn sẽ còn phải ngạc nhiên khi được phục vụ thêm một bát canh, thêm miếng chả to đùng cùng hành lá, mùi tàu xắt nhỏ. Người Hà Giang không ăn bánh cuốn với nước chấm pha ngọt ngọt cay cay mà ăn với bát nước dùng được hầm từ xương đậm đà. Tùy vào sở thích mỗi người mà bạn có thể chấm bánh cuốn để ăn hoặc thả nó vào trong bát nước dùng rồi ăn để thấm hết các mùi và vị của nó.
Cả người dân và du khách khi đến Hà Giang đều chọn bánh cuốn phố cổ Hà Giang để làm bữa sáng, vừa thuận tiện, nhẹ nhàng, lại vừa thơm ngon hấp dẫn.
Giá một phần bánh cuốn rơi vào khoảng 30.000 - 40.000 đồng. (Ảnh: huynhngoctuonganh)
Không chỉ có bấy nhiêu thôi, đặc sản Hà Giang còn được gọi tên bằng những món đặc sắc không kém như cơm lam Bắc Mê, mật ong bạc hà, xôi ngũ sắc, rượu ngô cay, cam sành Bắc Quang,... Nếu có dịp, hãy đến đây để khám phá và cảm nhận hết những hương vị của đất trời, do con người nơi địa đầu tổ quốc này tạo ra.