Kẹo chuối – Kẹo của ngày tết sum vầy
Kẹo chuối là loại kẹo thường dùng trong dịp tết, đối với một số gia đình ở nông thôn, loại kẹo này còn dùng đãi khách trong lễ giỗ hay đám cưới..
Trời cuối năm se lạnh làm những đứa con xa quê như tôi càng cảm thấy nhớ nhà một cách da diết, nhớ nồi bánh tét mẹ nấu, nhớ món kẹo mà mẹ làm vào dịp cuối năm để đãi khách và để anh em chúng tôi nhâm nhi trong những ngày tết về.
Đó là kẹo chuối, kẹo chuối được làm từ chuối xiêm chín, do ba tôi trồng, đây là một loại kẹo dân dã dẻo dẻo, dai dai, có hương vị đặc biệt của chuối khô, vị béo của dừa, bùi của đậu phộng, mè rang… có nhiều cách để làm loại kẹo này, ngày nay nhiều người dùng chuối xiêm chín quết hoặc xay thật nhuyễn cùng một số nguyên liệu khác rồi khuấy trên bếp. Cách này sẽ tiết kiệm thời gian và công sức hơn nhiều.
Dù mất khá nhiều thời gian cho công đoạn phơi chuối nhưng mẹ tôi thì vẫn làm theo cách truyền thống là dùng chuối phơi khô, chắc có lẽ vì làm cách này không những anh em chúng tôi được ăn kẹo mà còn được ăn cả chuối phơi khô
Chuối xiêm chín mẹ tôi đem ép mỏng rồi phơi nắng, phải chọn hôm nào nắng thật ngon mới ép chuối, nếu không chuối sẽ bị hư, phơi liên tục hai ba hôm để chuối thật khô, miếng chuối vàng ươm trong thật ngon lành.
Nguyên liệu để thực hiệm món này gồm
1kg chuối xiêm chín đã phơi khô cắt thành từng sợi nhuyễn
Tùy vào sở thích ăn ngọt của mỗi người mà gia giảm lượng đường thích hợp, nhưng thường 1kg tương đương 1,2kg đường mía
1 trái dừa khô
Mè, gừng tươi cắt sợi, đậu phộng, một trái khóm (cũng có thể là nước cốt me chín, chanh)
Chế biến món này cần một chiếc chảo to, diện tích chảo rộng sẽ hấp thu nhiệt điều hơn và cũng dễ khèo chuối hơn.
Đặt chảo lên bếp, cho đường nước cốt dừa vào chảo, chỉ vắt ít nước cốt dừa thôi vì nhiều nước sẽ mất độ béo. Sau khi đường tan và sôi vài bận thì cho khóm đã cắt nhuyễn, gừng và chuối vào chung. Lý do để khóm vào vì chất chua của khóm sẽ giúp không làm lợi đường, xào liên tục và đều tay trên bếp và cho nhỏ lửa để tránh bị khét.
Tùy vào sở thích của từng người mà xào lâu hay mau, thích ăn kẹo hơi mềm thì xào đến khi nào cảm thấy nặng tay chuối có độ dẻo, dính lại là được, còn muốn ăn kẹo chuối dẻo hơn, thì xào lâu một chút và chuối chuyển sang màu nâu đen. Càng xào lâu thì kẹo càng dẻo.
Xào đến khi cảm thấy ưng ý thì cho chảo ra khỏi bếp, tiếp đó cho vani, đậu phộng rang sẳn làm sạch, và mè đã rang vàng vào.
Dùng nilon trải ra mâm có thoa dầu để chuối không bi dính, sau đó cho chuối vào, cho vani, đậu, mè rang sẳn rắc lên mặt chuối để tạo độ béo và thơm, thêm một lớp nilon cũng có thoa dầu ở trên, tùy vào ý thích của mỗi người mà cán ra dày hay mỏng. Phải đợi chuối thật nguội rồi dùng dao cắt ra từng miếng vừa ăn.
Sau khi cắt kẹo ra từng miếng nên dùng giấy kiếng hay túi nilon loại gói kẹo cắt ra từng miếng để gói từng viên kẹo. Cách làm này sẽ mất khá nhiều công phu nhưng đổi lại kẹo sẽ được giữ lâu hơn, trong đẹp mắt và vệ sinh hơn nhiều. Đây là giai đoạn mà tôi thích nhất vì đây là lúc tôi phụ mẹ nhiều nhất.
Chiều tối, hai mẹ con loay hoay gói từng viên kẹo một bên ngọn đèn dầu, gói kẹo thoạt nhìn công việc nhàm chán nhưng với tui lại rất thích thú vì sau mỗi lần gói viên kẹo lại trông đẹp hơn.
Nếu người Bắc có thói quen nấu nồi bánh Trưng vào dịp tết thì nhà tôi có thói quen làm kẹo chuối vào dịp cuối năm. Đây là một loại kẹo không những mang hương vị đặt trưng và quen thuộc với người Nam Bộ mà còn đặc biệt hơn là do chính tay mẹ làm.
Ngày tết sum họp gia đình, chuyện trò vui vẻ, ăn một miếng kẹo chuối rồi uống một tách trà nóng, tinh thần thật sản khoái, thú vị và ấm lòng biết bao.