Thịt lợn gác bếp đặc sản Tây Bắc
Tây Bắc nổi tiếng với món thịt gác bếp từ bao đời nay. Không chỉ có thịt trâu, thịt bò được chế biến thành món ăn đặc sản mà hương vị của món thịt lợn gác bếp – Đặc sản Tây Bắc cũng làm người miền xuôi nhớ đến nao lòng.
Thịt lợn gác bếp cũng có những đặc điểm chung giống như thịt trâu, thịt bò khô gác bếp, nguyên liệu phải là từ những chú lợn được chăn thả tự nhiên trên vùng núi cao nguyên bạt ngàn và được chế biến theo cách riêng mang nét đặc trưng của núi rừng.
Thịt lợn khô nguyên miếng gác bếp
Cách chế biến thịt lợn gác bếp
Cho đến tận ngày nay thì món thịt lợn gác bếp đã có nhiều cách chế biến khác nhau, tùy thuộc vào mỗi địa phương. Có nơi người ta ngả thịt ra cho nguội rồi cho một lượng muối vừa đủ vào thịt và đưa vào cối giã để muối ngấm vào thịt chứ không giã nát. Sau đó họ dùng một loại men làm từ các cây rừng trộn lẫn vào với thịt và cho đem ủ kín 2 – 3 ngày trong gùi và treo lên gác bếp.
Một số nơi khác để giữ nguyên được hương vị của thịt người ta lại chế biến theo cách khác. Trước tiên họ sẽ mổ phanh con lợn ra rồi dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ, dọc theo sườn, bỏ thịt lên nia xát muối. Sau khi đã xát đều muối cho thịt ngấm thì cho rượu vào bóp và bỏ vào hũ ủ ba đến bốn ngày. Sau đó lấy thịt trong hũ ra rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, phơi ráo nước rồi treo lên gác bếp.
Một trong những công đoạn quan trọng nhất chính là quá trình hun khói để làm chín thịt, nó cũng đòi hỏi công phu và sự khéo léo. Do đặc trưng của người dân miền núi, họ sử dụng củi để đun bếp, chính vì thế bếp gần như lúc nào cũng đỏ lửa, hơi nóng của lửa bốc lên sẽ làm cho miếng thịt săn lại, mỡ chảy ra một phần, phần còn lại nhìn rất trong, thịt nạc và da có màu vàng – đỏ thẫm. Để thịt thơm hơn, một số đồng bào nơi đây còn lấy cây ngải cứu rừng và bã mía để về hun thịt.
Mặc dù chỉ với những công cụ rất thô sơ, không máy móc hiện đại nhưng đồng bào nơi đây lại có thể giữ được mùi vị của thịt lợn gác bếp trong một thời gian dài. Lạ kỳ hơn nữa, theo lời đồng bào Tây Bắc lợn càng treo gác bếp lâu thì thịt càng thơm ngon. Đây chính là nét khó hiểu nhưng rất độc đáo trong văn hóa ẩm thực vùng cao mà không phải dân tộc nào cũng có.
Đối với người miền xuôi, thịt lợn gác bếp từ lâu cũng đã trở thành món ăn yêu thích của nhiều gia đình. Thịt lợn gác bếp có thể dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn khác nhau như xào gừng, xào rau cải đắng và đặc biệt nhất là xào với lá chanh. Hương vị thơm ngon có độ giòn đặc trưng của bì lợn, vị ngọt đậm của thịt nạc và vị đậm đà của gia vị khiến ai cũng muốn thưởng thức.