Lên Mộc Châu ngắm hoa ban nở, nếm đặc sản cao nguyên đến "quên cả đường về"
Tháng 3 này, nếu bạn đang có dự định lên Mộc Châu (Sơn La) ngắm hoa ban nở trắng rừng thì cũng đừng quên nơi đây còn có thịt trâu gác bếp, nậm pịa, xôi ngũ sắc cùng vô vàn món ngon đang đợi bạn.
Cao nguyên Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, mảnh đất tập trung nhiều danh lanh thắng cảnh có giá trị du lịch và đặc sản hấp dẫn. Với khí hậu mùa hè mát mẻ còn mùa đông khô ráo, Mộc Châu chính là điểm đến hàng đầu của nhiều bạn trẻ. Và đã lên đây rồi chắc chắn ai cũng phải thích mê với những đặc sản hấp dẫn nơi này.
Cá hồi
Xuất hiện cách đây chưa lâu, việc người dân Mộc Châu có thể nuôi được cá hồi quả là bất ngờ. Với giá trị dinh dưỡng và độ thơm ngon mà cá hồi mang lại thì việc lên đây, tại vùng thả nuôi và thưởng thức các món từ cá hồi quả là một đặc ân.
(Ảnh: tranminh.mpv)
Cá hồi nơi đây được nuôi trong hồ nước có nhiệt độ thấp, nguồn từ những đỉnh núi cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn. Bởi thế, vị cá chắc chắn không giống với những món cá hồi mà bạn từng ăn trong các nhà hàng Nhật Bản. Thịt cá chắc hơn, dai hơn và cũng ít béo hơn.
Ngoài những món quen thuộc từ cá hồi như sashimi, gỏi cá hồi, súp cá hồi hay da cá chiên giòn thì còn có những món ăn đậm chất Việt Nam. Trong đó có thể kể đến cá hồi nướng lá mắc mật, chả giò cá hồi ăn cùng các loại rau rừng chỉ vùng núi Tây Bắc mới có.
Cá suối nướng
(Ảnh: internet)
Khác với cá hồi, ở Mộc Châu còn có rất nhiều loại cá suối khác cũng là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách. Cá suối được nướng là những con cá kích thước bằng tầm 2 ngón tay, không quá lớn. Sau khi vừa đánh bắt ở dưới hồ lên là đem vào vào để chế biến, ướp ngay với gia vị như mắc khén, rau thơm rừng, sả, ớt rồi kẹp những con cá trong kẹp tre, nướng trên than hồng nên ăn cá không bị tanh.
Sau khi nướng chừng 15 phút, cá đã chín và màu chuyển sang vàng ruộm là có thể “chén” ngay cả thịt lẫn xương cá.
Ốc đá Suối Bàng
Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng tư chính là vào mùa ốc đá Suối Bàng. Không dễ để có thể ăn được loại ốc này vì chúng chỉ xuất hiện khi thời tiết ẩm ướt và giấu mình rất kỹ nên khá khó bắt.
(Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng tư chính là vào mùa ốc đá Suối Bàng. Ảnh: Internet)
Ốc đá có kích thước chỉ bằng khoảng 2 đốt ngón tay, mình dẹp và miệng loe ra màu trắng sữa. Thường ốc sẽ xuất hiện nhiều ở nơi có khe suối. Và lí do người ta thích nó đến như thế là vì ốc có hương vị không giống những loại ốc thông thường khác, rất ngon, ngọt và giòn.
Muốn chế biến món ốc đá Suối Bàng này được thơm ngon cũng rất đơn giản. Chỉ cần luộc với sả và chấm mắm ớt thôi cũng đủ độ gây mê rồi. Con ốc sau khi luộc chín, lấy cây gai khều ra, đem chấm với chén nước mắm ớt cay. Cắn vào mình ốc cảm nhận được độ giòn, vị ngọt thơm, thêm cay cay đầu lưỡi và vị hăng, dậy mùi của lá rừng nữa. Chẳng ai từ chối được.
Nậm pịa
Là món ăn được người dân bản địa yêu thích nhưng cũng là món ăn độc lạ bậc nhất nên không phải vị du khách nào cũng dám thử nậm pịa.
(Ảnh: Internet)
Nậm pịa chính là cách gọi món ăn được chế biết từ bộ lòng của bò hoặc dê. Bao gồm lòng, dạ dày, gan, nhất là phần ruột non có chứa phân non. Bên cạnh đó, để món ăn thêm màu sắc và mùi vị thì người ta cũng cho thêm thịt, đuôi, sụn, bạc nhạc và tiết đông vào nồi nậm pịa.
Khi ăn nậm pịa sẽ không thể thiếu được đĩa hoa chuối, lá bạc hà cùng chén rượu ngô do người dân nơi đây tự nấu. Khi bạn đến các phiên chợ ngày lạnh ở Mộc Châu sẽ thấp thoáng thấy nồi nậm pịa lớn nghi ngút khói và khách ngồi xì xụp xung quanh.
Thịt trâu gác bếp
Đã là một phần của Tây Bắc thì Mộc Châu đâu thể thiếu được món ăn đậm hương vị núi rừng – thịt trâu gác bếp này được. Đây cũng là món ăn không còn xa lạ gì với các thực khách khi đến Mộc Châu.
(Ảnh: nguyet.2109)
Miếng thịt trâu gác bếp ở ngoài có màu nâu đậm, khi xé ra, thịt bên trong màu hồng đẹp mắt. Khi ăn, có thể đem nướng lại và xé nhỏ để nhấp nháp cùng rượu ngô cay cay. Từ cái mùi hăng hắc của khói bếp, vị mặn mòi của gia vị cho đến cái ngọt thanh, dai dai của thịt bạn đều có thể cảm nhận được trong món ăn này.
Thịt trâu gác bếp là được chế biến từ phần thịt bắp của những chú trâu khỏe mạnh, chăn thả trên các vùng đồi núi. Chính vì lẽ đó mà miếng thịt chắc, thơm và ngọt hơn. Thịt trâu vừa mới mổ ra, người ra sẽ đem thái dọc thớ theo từng miếng con chì, ướp với các loại gia vị như muối, lá móc mật, ớt,… cuố cùng là treo lên gác bếp. Sau khoảng 1 năm thì có thể lấy xuống ăn dần.
Bê chao
Thịt bê lấy loại có đủ nạc lẫn mỡ và cả bì được xắt mỏng, chần qua nước sôi rồi ướp với gia vị. Gia vị ướp cho món bê này bao gồm gừng, tiêu, sả, sa tế.
(Ảnh: anh_ahn)
(Ảnh: vonhuai)
Gọi là bê chao không phải vì bê ăn với chao mà vì chính cách ăn của nó. Rất độc đáo và phải nóng mới ngon. Khi ăn, miếng bê được chao qua chảo dầu sôi nóng và ăn ngay khi vừa ráo mỡ. Ăn nóng như thế, miếng bê mềm, ngọt và thơm ngây ngất. Nhất là khi được thưởng thức món ăn này trong những ngày đầu xuân, khi tiết trời Mộc Châu vẫn hơi se lạnh thì còn gì bằng.
Xôi ngũ sắc
Một mâm xôi với đầy đủ 5 màu sắc khác nhau, thường xuyên xuất hiện trong nhiều lễ hội, đám tiệc của người dân tộc Dao ở Mộc Châu chính là một phần không thể thiếu trong không gian ẩm thực nơi đây.
Nguyên liệu, hương vị, màu sắc của xôi ngũ sắc đều được chế biến hoàn toàn từ đôi bàn tay cần cù của con người nơi đây. Xôi là được làm từ loại nếp nương tuyển chọn, cực kỳ dẻo thơm, hạt đều. Còn màu sắc của xôi là được làm từ các loại lá cây chỉ có ở rừng núi nơi đây với những cái tên vô cùng xa lạ như co khảu, khảu đen hay quen thuộc như quả gấc, lá dứa.
(Ảnh: thquynhanh)
Nhìn mâm xôi thôi là đủ mê rồi còn nói gì đến ăn. Khi thưởng thức, hạt xôi mềm dẻo những nắm vào tay không hề bị dính. Xôi nếp ăn nhiều không cảm thấy ngán. Chẳng trách sao, cả người dân nơi đây và du khách thập phương đều mê mẩn món ăn này.
Sữa bò non Mộc Châu
Sữa Mộc Châu nổi tiếng thì ai cũng biết rồi. Nhưng thưởng thức sữa bò Mộc Châu ngay tại Mộc Châu hay uống loại sữa đầu của bò mới sinh chỉ trong vài ba ngày thì không phải ai cũng có thể. Chính loại sữa nhiều dưỡng chất, thơm thơm, bé ngậy đó là người ta muốn đến với Mộc Châu một lần.
(Ảnh: Internet)
Nhưng không phải lúc nào cũng có sữa bò đẻ để uống. Vậy nên, trong những buổi sáng se lạnh ở Mộc Châu, thưởng thức ngay một ly sữa tươi nóng hổi, thơm phức là đủ cho một ngày ấm áp và sảng khoái vô cùng.
Không dừng lại ở đó, món sữa đông đặc bạn cũng nên thử. Là sữa được vắt ngay sau khi bò vừa đẻ, đem hấp cách thủy cho động lại. Xắt ra theo từng miếng rồi chấm ăn cùng với muối ớt. Món ăn chỉ nghe thôi cũng đã thấy đặc biệt rồi. Lúc ăn thì còn cảm nhận được cái lạ trong mùi và vị của món ăn nữa. Nhưng chắc chắn chúng đều rất tuyệt.
Các loại rau củ quả Mộc Châu
Với khí hậu, thời tiết tuyệt vời như thế, Mộc Châu chính là nơi lý tưởng để các loại rau tươi, quả ngọt sinh sôi phát triển, làm giàu thêm ẩm thực Mộc Châu và làm mạnh thêm sức hút đối với du khách.
Nói đến rau Mộc Châu thì không thể không nhắc đến rau cải mèo với cái vị đăng đắng đặng trưng của nó. Đã nhắc đến củ thì có củ khoai sọ mán thường được nấu canh với móng giò, xương sườn. Khoai được người Dao trồng trên cao nguyên Mộc Châu, có vị dẻo thơm, là một đặc sản ấn tượng nơi đây.
(Ảnh: mocchauxanh)
(Ảnh: hathuong)
Còn các loại quả ở Mộc Châu thì vô vàn. Nào là mận, đào rồi dâu tây. Quả nào cũng luôn tươi ngon. Du khách đến đây có thể tự mình hái quả ăn tại vườn để cảm nhận được hết cái vị của đất trời ẩn dấu trong mỗi thức quà ngon đó.