Header Ads

Header ADS

Chuyện "biệt dược phòng the" giữa đại ngàn

Vùng cao luôn ẩn chứa vô số câu chuyện huyễn hoặc, những phương thuốc truyền từ ngàn đời nhuốm màu kỳ bí. Tuy nhiên, công dụng thực sự của các bài thuốc này vẫn là một dấu hỏi.


Bài “thuốc khỏe” trên đỉnh Chiềng Sơ

Ở Tây Bắc có một vùng đất khá nổi tiếng bởi những kỷ lục… buồn, chính là huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Vùng đất này đã và đang tồn tại hai hủ tục làm đau đầu chính quyền và cơ quan chức năng là nạn tảo hôn và đa thê. Những người đàn ông có hai thậm chí ba vợ cùng đàn con lên đến cả chục không phải là chuyện hiếm gặp ở một số xã bản vùng sâu, vùng xa…

Những hệ lụy từ các hủ tục báo chí đã phản ánh và góp bàn nhiều, nhưng lâu nay dân gian đồn thổi Điện Biên Đông rơi vào tình cảnh này là do nguyên nhân từ một bài thuốc bí truyền “một người khỏe hai người vui” của người Mông. Bài thuốc này dịch ra tiếng Kinh nôm na là “thuốc khỏe” có công dụng bổ thận, tráng dương đến độ hoàn hảo; một Viagra độc nhất vô nhị của đại ngàn!

Người ta cho rằng loại thuốc này có công dụng đặc biệt, bổ thận tráng dương, sinh tinh, ích khí, tăng cường sinh lực cho đàn ông. Chính vì uống thuốc này thường xuyên nên các nam nhi người Mông ở vùng cao dù cuộc sống vất vả, chế độ dinh dưỡng hạn chế nhưng lại rất dẻo dai và bền bỉ trong cuộc sống chăn gối. Thanh niên 15-17 đã lập gia đình, nhiều người lên chức ông vẫn lấy thêm vợ đẻ thêm con.

Ẩn sâu trong những bản làng Tây Bắc, vẫn còn có rất nhiều lời đồn thổi về một loại thuốc tên gọi “tứn khửn”.

Chưa có một nghiên cứu chính thức về công dụng của loại “thần dược” ở Điện Biên Đông nhưng vài năm trở lại đây, “thuốc khỏe” này rất có giá trị (ít ra là xét trên bình diện giá cả), được giới mày râu săn lùng ở Tây Bắc. Nó đã trở thành món quà độc nhất vô nhị để người ta đem biếu bạn bè, người thân nhân dịp lễ tết. Nhưng, do chính sự tế nhị của nó nên “thuốc khỏe” không bày bán ngoài thị trường. Phải tận dụng mối quan hệ, nhờ vả mới mua được và cũng chỉ mua được vài ba thang với giá từ 2-5 triệu đồng.

Bên cạnh các loại thuốc nam, người vùng cao còn bày bán vô số lọ thuốc được quảng cáo là thần dược.

Giới “săn” hàng độc còn cho rằng, “thần dược” có xuất xứ từ Điện Biên Đông này hiện còn khó tìm mua hơn cao hổ cốt. Nhiều khi đắt do hiếm, nên có người đã phải trả đến cả chục triệu, thậm chí 15-20 triệu để mua một gói thuốc trọng lượng 500g.

Quả thật, khi “thưởng thức” những thang thuốc “thần kì” này không có gì đặc biệt. Duy nhất có điều lạ mặc dù các vị trong thang thuốc có màu vàng chanh, cùng một số loại lá cây khô nhưng khi đem ngâm rượu nó chuyển sang màu đỏ tía, có mùi hắc hắc, rót ra ly quánh như mật ong pha loãng.

Những bài “thuốc khỏe” kiểu này có ở hầu hết trong cộng đồng người Mông ở Điện Biên Đông, nhưng chỉ những thang thuốc của các “thầy” thuộc 2 xã Phì Nhừ và Chiềng Sơ mới giá trị, mà cũng chỉ vài người biết “bốc”. Theo nhiều người dân ở xã Phì Nhừ thì bài thuốc này bao gồm bộ phận (rễ, lá, thân, vỏ) của 9 loại cây khác nhau trên rừng già. Sau khi lấy về được thái lát, sấy khô, hạ thổ rồi đem ngâm rượu.

Liệu “tứn khửn” có phải là “thần dược”?

Cũng nằm trên dải Tây Bắc xa xôi, người Mông ở Sốp Cộp, Sơn La còn  được biết đến nhờ biệt tài “bốc thuốc”. Trong vô số bài thuốc Nam nơi đây, có những bài rất nhiều công dụng. Thông thường nhà nào cũng sở hữu tới cả chục vò rượu được ngâm với các loại thuốc quý lấy từ đại ngàn sâu thẳm với nhiều công dụng khác nhau.

Loại thì uống vào sẽ tiêu tan mỏi mệt, giá rét, loại thì tiêu diệt căn bệnh đau xương mỏi khớp, đau lưng, sỏi thận, giúp dồi dào sinh lực. Nhưng, có một loại biệt dược đặc biệt quý hiếm dành cho phái mạnh mà chỉ rừng nơi đây mới có mang tên “tứn khửn”, nghĩa là “dựng lên”! Loại thuốc “chồng uống, vợ vui” này còn được không ít người “phán” rằng có khả năng điều trị cả bệnh… hiếm muộn.

Theo một số người dân nơi đây, vị thuốc chính làm nên “tứn khửn” là cây Chí Chiền Chùa. Sở dĩ đồng bào nghĩ rằng nó có công dụng thượng hạng cũng chỉ vì một lý do hết sức đơn giản, bởi nó chính là loại thức ăn khoái khẩu của đám muông thú trong rừng già Pà Cạch.

Chí Chiền Chùa là loại cây tự mọc trong rừng, rất sâu, nơi có nhiều cây to, tán rộng, ít ánh nắng mặt trời. Cây này củ mọc dưới đất, lá nhỏ, màu xanh nhạt, dây và lá bò lan khắp mặt đất, quả chín có màu đỏ trắng, trông rất đẹp mắt và quả bao giờ cũng chĩa thẳng đứng lên trời, khi chín có mùi thơm cay rất đặc trưng, hương bay xa.

Mỗi khi có khách đàn ông, người phụ nữ này vẫn mời mua “thuốc khỏe”.

Đến đầu mùa đông, khoảng tháng 11 dương lịch là quả bắt đầu chín. Đây cũng là lúc cánh đàn ông ở bản vào rừng thu hái trước khi quả bị đám sóc và cầy hương “đánh chén”. Có nhiều người cất công vào rừng tìm quả mà đã 3 mùa về tay không bởi lẽ sóc, cầy trong rừng Pà Cạch nhiều vô kể. Cũng chính vì suy luận đám sóc, cầy sinh đẻ rất nhanh là nhờ ăn Chí Chiền Chùa, nên người ta nghĩ rằng, loại quả này có tác dụng… tăng cường sinh lý.

Trên thực tế, “tứn khửn” hay còn gọi nôm na là “thuốc khỏe”, không có công dụng đến mức như người ta tưởng. Bởi, thực chất nó chỉ có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tinh thần phấn chấn. Từ đó, rất nhiều người nhầm tưởng đó là thần dược. Phần lớn các loại thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ, chữa trị đau lưng và tăng cường sức đề kháng chứ không thể “sung” như lời đồn thổi. Nếu là thuốc cường dương thì phải hình thành cơ chế co mạch, dồn máu tức thời, tạo hưng phấn, mà điều này đối với Đông y là không thể.

Ngay cả những “cao thủ” bốc thuốc miền Tây Bắc cũng chỉ dám “quảng cáo” đây là thuốc chống mỏi lưng, chùn gối. Còn về công dụng của nó đối với khả năng đàn ông, thì phần lớn đều cho rằng điều đó phụ thuộc tố chất của từng người, chứ không có thuốc nào làm đàn ông khỏe mãi được. Quan trọng là phải sống lành mạnh, điều độ…

Hiện nay, do cuộc sống hiện đại cùng những thói quen sống thiếu chuẩn mực nên đàn ông dường như ngày càng có xu hướng yếu đi. Trong khi sử dụng tân dược Tây y càng bộc lộ những mặt trái do các tác dụng phụ nên để an toàn, nhiều người bệnh đang có xu hướng tin dùng các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.

Qua khảo sát sơ bộ ở các tỉnh Tây Bắc người ta đã tìm thấy trên 650 giống thực vật làm thuốc, 32 loài động vật làm thuốc, cùng hơn 1.300 bài thuốc dân gian bí truyền trong đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có rất nhiều bài thuốc có tác dụng bổ thận, tráng dương.

Các bác sĩ Đông y khi được hỏi đều khẳng định không có loại thảo dược nào có tác dụng “khủng” như người ta kỳ vọng. Khỏe hay yếu, bền bỉ hay rệu rã đều do tố chất, nội tiết tố của từng người cũng như do việc rèn luyện, chế độ dinh dưỡng. Điều quan trọng nhất vẫn là phải có cuộc sống, sinh hoạt lành mạnh, không lạm dụng bia rượu và các chất kích thích.

Đồng thời, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo rằng, đối với những người bị bệnh bất lực do dùng các thuốc tân dược trị bệnh lâu ngày như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch... thì việc uống thuốc “cường dương” theo lời đồn thổi mà không có sự chỉ định của bác sĩ thì vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra những cơn đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp lạm dụng thuốc cường dương bị “nghiện” thuốc. Vì thế, trước khi dùng các bài thuốc “biệt dược phòng the” dân gian, cần tham khảo lời khuyên của các bác sĩ Đông y để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

>>> Có thể bạn sẽ quan tâm đến những bài viết về đặc sản Tây Bắc

Được tạo bởi Blogger.